Tìm hiểu về chứng hôi miệng

1.681 views
Hôi miệng là một trong những chứng bệnh răng miệng thường gặp, gây ảnh hưởng tới khoảng 1/3 dân số thế giới. Hôi miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả hai giới. Bệnh không nguy hiểm nhưng lại gây cản trở cho hoạt động bình thường của cá nhân, ảnh hưởng đến khả năng làm việc, sinh hoạt, việc tham gia vào các hoạt động xã hội, biểu lộ tình cảm…làm giảm chất lượng sống.
nut-like-nhakhoanetviet.com Chứng hôi miệng là gì?
Hôi miệng được định nghĩa là bất kỳ mùi khó chịu nào trong hơi thở từ miệng được phát hiện bằng mũi. Những hợp chất gây hôi miệng là kết quả của quá trình phân hủy các protein, peptid và mucin có trong nước bọt, máu, dịch nướu răng, các tế bào biểu mô và thực phẩm còn lưu lại trên bề mặt răng và khoang miệng. Các hợp chất gây hôi miệng chủ yếu là các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSCs ) bao gồm sunfuahydro (H2S), methylmercaptan (CH3-SH), dimethylsunfua (CH3)2-S.
nha-khoa-net-viet-tram-rang-tham-my
nut-like-nhakhoanetviet.com Nguyên nhân gây hôi miệng
Có rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng, nhưng có đến 90% nguyên nhân là từ miệng. Các nguyên nhân gây hôi miệng do nguyên nhân từ miệng thường là những nhiễm trùng trong khoang miệng như: bệnh viêm lợi, viêm nha chu, bệnh sâu răng và các biến chứng của sâu răng, các viêm loét trong miệng, nhiều cao răng, mảng bám răng, mảng bám lưỡi… Những răng sâu không được hàn tạo thành các hốc tạo điều kiện cho các vi khuẩn tích tụ và phát triển, phân hủy các vụn thức ăn đọng lại cũng là nguồn gây mùi hôi. Mảng bám lưỡi cũng là nguyên nhân chính gây hôi miệng. Các vi khuẩn tích tụ ở mảng bám lưỡi, đặc biệt phía sau lưng lưỡi là nguồn gốc sản sinh ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi gây hôi miệng.
 
nut-like-nhakhoanetviet.com Điều trị hôi miệng như thế nào?
Việc điều trị thành công bệnh hôi miệng phụ thuộc vào việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Vì 90% các nguyên nhân gây hôi miệng là từ các bệnh lý trong miệng nên kế hoạch điều trị hôi miệng sẽ bao gồm loại bỏ các nguyên nhân và cải thiện tình trạng sức khỏe răng miệng với mục tiêu là làm giảm số lượng các vi khuẩn sản sinh các hợp chất gây hôi miệng trong khoang miệng.
 
Bước đầu tiên trong điều trị bệnh hôi miệng là điều trị các bệnh lý trong miệng như viêm lợi, viêm nha chu, trám các răng sâu, lấy cao răng, làm sạch mảng bám răng. Việc tăng cường vệ sinh răng miệng đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh hôi miệng. Ngoài việc chải răng sau khi ăn với kem chải răng có chứa chất kháng khuẩn, cạo lưỡi để loại bỏ mảng bám lưỡi là biện pháp hữu hiệu để điều trị hôi miệng. Nên sử dụng chỉ tơ nha khoa để lấy bỏ các vụn thức ăn, mảng bám vi khuẩn ở kẽ răng, và dùng thêm nước súc miệng sát khuẩn để tăng cường làm sạch.
 
TS. BS. Nguyễn Thị Hồng Minh
Phó khoa Nha Chu – Bệnh viện RHMTW Hà Nội

Comments

Comments are closed.