Jean Cassaigne – Thầy thuốc của nhân loại

1.561 views

nhakhoanetviet- thay thuoc jean Cassaigne

Đức cha JEAN CASSAIGNE (1895 – 1973)

Viết về Người của Linh mục Trần Quang Thanh

“Hỡi ai kính sợ Thiên Chúa ! Hãy đến mà nghe, tôi tường thuật lại, xem Người đã xử nhân hậu với tôi dường nào” (Tv 65, 16).

Lời Thánh Vịnh ấy được xướng lên như làn gió thì thào, ngân ấm trên đôi môi héo hắt của vị Giám Mục bệnh tật về hưu ở làng cùi quận Dilinh.

Đức Cha Cassaigne mỗi lần đọc lên câu ấy là người hớn hở, nở lên nụ cười xuân trẻ duyên dáng, ra như muốn chuyển thông cho người đối diện niềm vui thanh thản đang tràn ứ nơi lòng mình, rồi không cần gạn hỏi, với giọng điệu hài hước, người rỉ rả kể lại chuyện của đời mình …

Và suốt mười năm qua như thế, môi khi ánh nắng chiều buồn thiu sắp tắt trên chỏm núi làng cùi, tôi được dịp cười thoải mái, háo hức nghe người kể “truyện đời xưa” ấy. Trông thấy tôi có vẻ thích thú, người Cha già gầy yếu có mái tóc bạc phơ, hăng say kể truyện. Người nói mãi, nói không biết mệt về “những gì Thiên Chúa đã làm cho người”.

Bạn thân mến ! Với khả năng thô thiển, tôi cố ghi lại những gì đã nghe, những việc Thiên Chúa đã xử hậu với người “Thừa sai xứ Mọi” rồi đưa người từ làng cùi hẻo lánh lên tới ngôi Giám Mục…

Ước gì câu chuyện của người được nhóm lên nơi lòng bạn NIỀM VUI TRONG THỬ THÁCH và chút tia sáng TRUYỀN GIÁO, để rồi với cái nhìn lạc quan tràn đầy hy vọng, chúng ta cùng hướng mắt về cuộc phát triển nhóm thiểu số của vòm trời cao nguyên có tên là người Thượng, những đứa con cưng yêu mà người Cha quá cố trối lại, họ là những người đáng thương vì đã vô phúc bị kẹt lại trong trạng thái kém may mắn hơn ta nhiều trên con đường tiến bộ.

Rất mong thay

Lm. Giuse Phùng Thanh Quang

Giáo Xứ Di Linh

Thầy thuốc nhân loại hy sinh trong thầm lặng…
Gioan Sanh tên thật là Cassaigne Maria Pierre Jean, người ta gọi là Cha Sanh vì người là chỗ dựa, nơi che chở cho những người đồng bào K’ho Dilinh.
Người tự nguyện gia nhập Hội thừa sai Paris sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong quân đội Pháp chiến tranh Pháp – Đức và đến ngày 02 tháng 10 năm 1926 người lãnh nhận bài sai đến Di Linh trung phần Việt Nam làm công việc truyền giáo.
Tại Di Linh người chăm lo cho đồng bào K’Ho và đặc biệt những người mắc bệnh phong cùi, một căn bệnh vào thời bấy giờ người ta cho rằng do ăn chơi sa đọa, bị Thượng đế trừng phạt không thể chữa khỏi nhưng Cha Sanh cho rằng bệnh gặp ở những người ăn ở chưa hợp vệ sinh chứ không phải do tội lỗi con người gây ra, mặc dù Hassen người Na Uy đã công bố bệnh phong do một loại vi khuẩn Mycobacterium leprae năm 1873.
Từ đây ông chú trọng vào việc nâng cao sức khỏe và giữ vệ sinh cho những người mắc bệnh phong cùi và cũng chính ông là người sáng lập trại phong Di Linh vào ngày 11.04.1929.
Với lòng yêu thương và tận tụy chăm sóc người bệnh năm 14 – 7 – 1944 ông được Chính phủ Pháp phong tặng Hàn lâm Viện Y khoa Paris.
Đến năm 1955 người cũng mắc bệnh cùng chung số phận với những người phong cùi.
Đến 31 – 10 – năm 1973 Ngài ra đi trong niềm tiếc thương của cả dân tộc Việt Nam, ngày 05 – 11 – 1973 Chính phủ Việt Nam có lời từ biệt và gửi lời tri ân đến cha Gioan Sanh một thầy thuốc tận tụy, gương mẫu và một người cha kính yêu của người Việt Nam.

Bề trên hạch sách cha Gioan Sanh về hành nghề Lang Y:

Vừa sau khi an táng cố Giám Mục Sài gòn, từ nghĩa địa về mọi người tề tựu dùng trà tại phòng khách Tòa Giám Mục, thì Đức Khâm Sứ để mắt theo dõi một Linh Mục sồn sồn đang vui vẻ đấu láo với nhóm Linh Mục trẻ trong một góc nhà. Ngài ghé tai nói nhỏ gì đó với cha Bề Trên Soullard một lúc đoạn ngài đi đến nhóm kia, đưa ngón tay ngoắt cha Cassaigne ra ngoài, dẫn đi riêng ra một nơi và cuộc hạch sách bắt đầu. Bằng một giọng trang nghiêm ngài hỏi :

–      Ta nghe người ta nói rằng cha có làm nghề thầy thuốc, có không ?

–      Dạ thưa Đức Khâm Sứ có.

Là một nhà giáo luật thuộc dòng Đaminh rất trọng qui tắc, Đức Khâm Sứ suy nghĩ một lúc, rồi với một giọng ngại ngùng, ngài hỏi tiếp :

–      Tại sao cha phải liều mình như vậy ? Mà chính ta cũng nghe đồn thêm rằng … (với bộ điệu e thẹn) cha cũng có giúp một người mẹ sinh đứa con của nó nữa, có không?

–      Cha Cassaigne trả lời tỉnh bơ : “Dạ cũng có”.

Đức Khâm Sứ đỏ mặt : “Mà cha có nhớ rằng giáo luật khuyến cáo các Linh Mục không nên làm nghề thầy thuốc huống nữa là … làm như vậy ?”

Cha Cassaigne cũng không vừa : “Thưa Đức Khâm Sứ còn nhớ chớ, nhưng đứng vào tình trạng của tôi, chắc Đức Khâm Sứ cũng sẽ không làm khác hơn”.

Đức Khâm Sứ giơ cả hai tay lên với dáng điệu muốn phân trần, nhưng cha Cassaigne đã nói luôn một hơi : “Trường hợp như vầy, cái xứ là cái xứ Thượng, vấn đề y tá thuốc men không có. Cả làng cùi chỉ còn một mình tôi là còn đủ 10 ngón tay, lại nếu cho người cùi rờ vào thai nhi là hỏng hết. Hơn nữa sản phụ hôm đó là một đàn bà cùi lở loét không ai chịu lại gần nó. Nó lăn lộn la khóc điếc cả tai vì ngược thai sinh không được. Trường hợp như vậy mà không có y tá nào ở đó cả, thế thì bỏ cho nó la rồi chết à ?…

Đức Khâm Sứ chận ngang, gằn mạnh từng tiếng : “Nhưng cha đừng quên đó cũng là dịp dễ sa ngã và … dễ sa ngã nặng…”

Cha Cassaigne cũng nói lớn lên : “Nhưng tôi có tìm dịp ấy đâu. Mà xin thưa Đức Khâm Sứ, Đức Khâm Sứ cũng nên nhớ rằng nếu không vì đức Bác Ái ràng buộc trong trường hợp như vậy, nên trốn chạy đi là hơn, vì thấy nhờn gớm quá đỗi còn lòng trí đâu mà tưởng nghĩ nọ kia. Các người Thượng cùi kia cũng đã bỏ chạy cả rồi…”

Đức Khâm Sứ ôn tồn trở lại, ngài nói : “Nhưng mà, như cha đã biết, vô cớ làm như vậy là liều mình bị ngăn trở khi được lên chức Thánh, như chức Giám Mục chẳng hạn”…

Cha Cassaigne : “Ô hô !”. Rồi tánh hài hước trong người lại nổi lên, cha Cassaigne xoa cả hai bàn tay thỏa chí múa máy : “Càng hay, càng hay ! Vì tôi không hề mơ mộng lên chức ấy bao giờ cả !”

Đức Khâm Sứ ngạc nhiên nhìn người đối thoại bướng bỉnh. Ngài không ngờ ông cha coi xứ Mọi mà cũng lắm lý sự, và cũng từ ngày đó, ngài có một quan niệm khác về cha này.

Chính hôm nay, 27.4.1940, Đức Khâm Sứ Drapier được chứng kiến tận mắt nơi ăn chốn ở của con người kỳ lạ ấy. Trong nhà xứ không có gì đáng giá, từ trước ra sau trống trải chỉ có mấy cái sừng nai gắn trên vách. Dưới bếp một rổ khoai để trong tủ, và trên sàn nhà bếp lủng lẳng một đùi nai còn rỉ máu, đó là những gì để làm đãi khách hôm đó.

Sau cơm trưa, trước khi ra về, Đức Khâm Sứ thân mật xiết tay giá lạnh kinh niên của cha xứ Thượng, rồi với một giọng trịnh trọng, ngài nói : “Rất hân hạnh còn được gặp lại cha nhân lễ tấn phong Giám Mục”.

Cha Cassaigne  phản ứng ngay : “Xin lỗi Đức Khâm Sứ, tôi xin phép kiếu trước, chắc là tôi sẽ không đi làm gì, vì ở nhà đang bận lắm”.

Đức Khâm Sứ liếc xéo cha Bề Trên địa phận rồi ngài nói : “Nhưng cha phải đi chứ, không đi sao được”. Rồi ngài nở một nụ cười bí mật và bước lên xe.

Cha Cassaigne còn  lại một mình, đứng trầm ngâm, gương mặt thẫn thờ ; các cuộc tiếp xúc này tiên báo một biến chuyển trọng đại cho đời ngài và sự việc ấy đang dần đưa đến.

Vị Giám mục đơn nghèo

Ngày 20-02-1941, đang lúc băng bó vết thương cho bệnh nhân, Cha nhận được thư Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Sàigòn. Ngài nói : ‘‘Lần thứ ba, nước mắt lại đến với tôi : mất mẹ, bỏ cha và nay lại xa các con tôi’’. Được tin này, Ngài viết thư cho bố : Con chỉ mong ước làm vị truyền giáo tầm thường, nghèo là vui thỏa lắm rồi. Nay người ta lại đổi áo, đổi chỗ cho con trong Giáo Hội.

Khẩu hiệu Giám Mục là Bác Ái và Tình Yêu (Caritas et Amor).

Địa phận Sàigòn rất quen với hình ảnh của Ngài là ‘‘Đức Cha đi xe đạp’’ có khi Ngài đi vespa đi đến các họ đạo, dễ len lỏi vào khu dân cư. Trong thời gian làm Giám Mục, Sàigòn trải qua nhiều đổ nát, chết chóc do cuộc đảo chính của người Nhật 19-3-1945, Việt Minh nổi dậy tuyên bố độc lập 2-9-1945 và chiến tranh Đông Dương kết thúc bằng hiệp định Genève 20-7-1954. Sàigòn đón nhận 6.000 người di cư từ Bắc vào Nam… Tòa Giám mục luôn mở cửa đón nhận và lắng nghe tiếng kêu cứu, nguyện vọng mọi ngưòi, từ mọi nơi. Ngài luôn có mặt tại những nơi hỏa hoạn, giúp đỡ lo cơm, áo mặc cho người tỵ nạn và dân nghèo.

Cả đời, từ khi chịu chức linh mục cho tới qua đời, Ngài sống hết sức đơn nghèo. Ngài thường nói : Nghèo khó là ngọn gió thiêng thổi đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Linh đạo của Ngài là sống nghèo. Vì thế Ngài thương người nghèo. Ngài luôn khước từ những cái dư thừa, chỉ dùng những cái cần thiết.

Khi còn làm giám mục ở Sài gòn, Ngài đã xin các cha giúp ngài có lễ để làm, lấy tiền mua vé tàu thủy đi triều yết Đức Giáo Hoàng Pio XII vào ngày 17-10-1947. Sau Roma, Đức Cha về Pháp thăm trụ sở MEP, về quê thăm bố đã 85 tuổi. Hai cha con đi hành hương Lộ Đức. Đồ đạc quần áo hành hương, Ngài để gọn trong chiếc rương mà Hội Thừa Sai Paris đã cho khi qua VN. Gia tài chỉ có thế. Trước khi đi Roma, vì thấy Ngài không có quần áo nào tốt có thể mặc được nên cha quản lý đã may cho Ngài ít quần áo mới để Ngài mang theo. Nhưng cha này sợ Ngài không nhận, nên cha đã gói những quần áo mới này vào trong một bọc riêng, và nhờ Ngài khi tới Marseille chuyển cho linh mục Fabre. Khi Ngài đi rồi, cha quản lý viết thư nói rằng gói quần áo đó để cho Đức Cha dùng, chứ không phải gửi cho cha Fabre nào đâu. Ba tuần sau, Ngài viết thư về : Cám ơn con, nhưng con đã làm không vừa ý Cha. Khi trở lại Sàigòn, Ngài nói số quần áo đó Ngài đã để lại cho những người khác cần hơn mình. Có lần ở Di Linh, Ngài không có tiền để vá bánh xe. Cha sở đưa cho Ngài 100 đồng. Vá xe hết 50 còn 50 đồng, Ngài đem trả lại cho cha sở. Ai đến thăm Ngài ở Di Linh thì thấy căn phòng Ngài rộng 14 m2, là 1 trong 38 phòng của trại, chẳng có gì đáng kể : 1 giường gỗ loại bệnh viện, 1 tủ gỗ nhỏ, 1 bàn với hai ghế thô sơ, 1 rương sắt đem từ Pháp qua. Về già, Ngài tự nấu bữa ăn sáng và tối. Trưa thì nhận phần cơm nhà thương như bệnh nhân khác.

Thầy thuốc nhân loại - Gioan Sanh - 01

 Chính Phủ Việt Nam truy tặng Đệ tứ đẳng Bảo quốc Huân Chương:

Công nghiệp của Đức Cha Gioan, đối với Giáo Hội và đất nước Việt Nam quả thật rất lớn lao. “Bản Tuyên Dương Công Trạng” đã được đọc bên giường bịnh của Đức Cha ngày 12 – 04 – 1972 như sau:

“Tông Đồ Bác Ái,”

“Đức Giám Mục Gioan Cassaigne, thuộc hàng giáo phẩm Công Giáo, ngay từ khi đặt chân tới Việt Nam, đã quan tâm phục vụ lớp người nghèo khó, giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các sắc dân thiểu số.

“Công nghiệp, gương sáng và chí lớn của Đức Cha Gioan Cassaigne xứng đáng được nhân dân Việt Nam tri ân và ghi nhớ mãi mãi”.

TÓM LƯỢC NIÊN BIỂU

Ðức Cha Jean Cassaigne, M.E.P.

Nguyên Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saigon

(Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia)

30/01/1895

Sinh tại Urgons-Grenade, France

19/12/1925

Thụ phong Linh Mục

Hội Thừa Sai Paris (La Société des Missions Etrangères)

20/02/1941

Ðược bổ nhiệm

Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saigon, Việt Nam

24/06/1941

Thụ phong Giám Mục

Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saigon, Việt Nam

1955

Hưu dưỡng và tình nguyện phục vụ cho Trại Cùi ở Di Linh, Ðà Lạt, Việt Nam

Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saigon, Việt Nam

1973

Qua đời tại Di Linh, Ðà Lạt, Việt Nam

Nguyên Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Sai gon, Việt Nam

Comments

Comments are closed.